Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Bản đồ sông Quảng Ngãi - bản đồ đường thủy Quảng Ngãi

Bản đồ sông tại Tỉnh Quảng Ngãi với bản đồ đường thủy

http://ubnd.quangngai.gov.vn/userfiles/Ban-do-song-ngoi-tinh.jpg Trên bình diện địa hình, vùng Quảng Ngãi có 04 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Câu.


Đặc trưng thủy văn các sông chính tỉnh Quảng Ngãi

Sông
Chiều dài sông (km)
Chiều dài
lưu vực (km)
Chiều rộng
lưu vực (km)
Diện tích
lưu vực (km2)
    Trà Bồng
45
56
12,4
697
    Trà Khúc
135
123
26,3
3.240
   Sông Vệ
90
70
18,0
1.260
  Trà Câu
32
19
14,0
442


Sông Trà Bồng
Nằm ở phía Bắc tỉnh, bắt nguồn từ dãy núi phía Tây của huyện Trà Bồng, chảy qua huyện Bình Sơn ra biển tại của Sa Cần. Sông dài khoảng 45km, hướng chảy cơ bản từ Tây sang Đông, đoạn cửa sông hướng rẽ hướng Nam- Bắc. Phần lớn sông chảy qua vùng địa hình rừng núi có độ cao 200- 1.300m, phần còn lại chảy trong vùng đồng bằng xen đồi trọc và bãi cát. Phía thượng nguồn của sông Trà Bồng có nhiều phụ lưu gồm nhiều sông suối, đáng kể như suối Nun, suối Cà Đú, sông Trà Bói ở các xã Trà Thủy, Trà Giang. Về tới hạ lưu Đông huyện Bình Sơn có thế đất khá cao, nên sông Trà Bồng không còn chảy xiết như đoạn trên. Nước chảy lờ đờ, như vậy mà khác với sông Vệ và sông Trà Khúc, xưa kia người ta không thể đặt xe nước trên sông Trà Bồng. Đoạn gần cửa sông có những vùng có độ cao 10- 40m. Sông Trà Bồng có 5 nhánh cấp I. Ở vùng hạ lưu còn có các nhánh sông suối nhỏ chảy ngược, hợp nước vào sông chính trước khi đổ ra biển.
Nhánh suối sâu (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn) bắt nguồn từ núi Đá Miếu (xã Bình An, huyện Bình Sơn) theo hướng Bắc- Nam, gặp sông chính tại An Phong (xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn), dài 19km.
Nhánh sông Bí chảy từ Đông Phước (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn) theo hướng Nam- Bắc, gặp sông chính ở Thượng Hà (xã Bình Thới, huyện Bình Sơn) tiếp giáp với hạ lưu và cửa sông dài 12km.
Lưu vực sông Trà Bồng bao gồm hầu hết huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn. Diện tích lưu vực khoảng 697km2.
Sông Trà Khúc
Nằm ở giữa tỉnh, sông Trà Khúc là sông lớn có lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác trong toàn tỉnh. Ở thượng nguồn sông có 03 nguồn chính:
Nguồn thứ nhất từ vùng Giá Vụt phía Tây huyện Ba Tơ, chảy theo hướng Nam- Bắc, đến địa hạt huyện Sơn Hà gọi là sông Rhe.
Nguồn thứ hai bắt nguồn từ vùng Đông Kon Tum và huyện Sơn Tây, với các suối lớn, nhỏ hợp nước với nhau chảy theo hướng Tây- Đông xuống Sơn Hà, gọi là sông Rinh (Đắk Rinh). Một nguồn nước rất quan trọng của sông Rinh là sông Tang. Sông Tang bắt nguồn từ huyện Tây Trà, chảy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, hợp nước với sông Rinh ở đoạn làng Lô, làng Mùng xã Sơn Bao phía Tây Bắc huyện Sơn Hà. Trên sông Tang đang xây dựng một hồ chứa nước lớn là hồ Nước Trong.
Nguồn thứ ba bắt nguồn từ Tây Nam huyện Sơn Hà giáp với huyện Sơn Tây, chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, gọi là sông Xà Lò (Đắk Sêlô).
Ba sông chính từ các hướng khác nhau cùng hợp nước ở các xã Sơn Trung, Sơn Hải, phía Đông Nam huyện lỵ Sơn Hà và đoạn sông này người ta thường gọi là sông Hải Giá. Từ Hải Giá sông chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc đến Thạch Nham (giáp với 03 huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa) thì thoát khỏi núi non, một đoạn nữa đến thôn Hưng Nhượng xã Tịnh Đông về sau thì hướng chảy cơ bản là Tây- Đông, tuy nhiên vẫn có nhiều đoạn sông quanh gấp khúc (do vậy được gọi là sông Trà Khúc). Ở Thạch Nham, người ta đã xây dựng đập chắn ngang sông, để nước dâng lên, theo hai kênh Chính Bắc- Chính Nam chảy tưới cho các đồng bằng Quảng Ngãi. Công trình đại thủy nông Thạch Nham là một công trình thủy lợi kỳ vĩ. Xưa kia trên sông Trà Khúc từ Đồng Nhơn (xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh) đến cuối nguồn người ta đặt rất nhiều guồng xe nước lớn để tưới cho đồng ruộng. Sông Trà Khúc ở các hợp lưu thượng nguồn sông đào lòng nước dữ dội qua các thung lũng, đến hạ lưu nước vẫn chảy rất xiết cho đến khi đổ nước ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc có độ dài khoảng 135km, trong đó có khoảng 1/3 chiều dài sông chảy qua vùng núi và rừng rậm, có độ cao 200- 1.000m, phần còn lại chảy qua vùng đồng bằng.
Bởi hợp lưu từ nhiều hướng khác nhau, nên sông có dạng hình cành cây, có 09 phụ lưu cấp I, 05 phụ lưu cấp II, 06 phụ lưu cấp III và 02 phụ lưu cấp IV.
Sông Trà Khúc có diện tích lưu vực khoảng 3.240km2, bao gồm phần đất của các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa, một phần huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tịnh, Trà Bồng và Tây Trà, có một phần nguồn nhỏ thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.
Trên bề mặt lưu vực sông có khoảng nửa diện tích kể từ nguồn là rừng già, còn lại là rừng thưa kiểu cao nguyên và cây bụi rậm; vùng hạ lưu là đất canh tác và đồng bằng trồng lúa chiếm diện tích khá lớn.
Sông Vệ
Bắt nguồn từ rừng núi phía Tây của huyện Ba Tơ. Sông chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, giữa các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức đổ ra biển Đông tại cửa Cổ Lũy và cửa Đức Lợi. Sông dài khoảng 90km, trong đó 2/3 chiều dài chảy trong vùng núi có độ cao 100- 1.000m. Sông có 05 phụ lưu cấp I, 02 phụ lưu cấp II. Các phụ lưu không lớn, đáng kể là:

Sông Liên bắt nguồn từ vùng núi Tây Nam huyện Ba Tơ. Sông chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, hợp nước với sông Tô ở thị trấn Ba Tơ.
Sông Tà Nô hay sông Tô chảy từ đồng Bia xã Ba Tô có độ cao trên 200m, theo hướng Tây- Đông, hợp với sông chính cách huyện lỵ Ba Tơ 18km về phía hạ lưu.
Sông Mễ chảy từ vùng núi Mum, phần tiếp giáp giữa hai huyện Ba Tơ và Minh Long theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, hợp lưu tại khoảng làng Teng xã Ba Thành, dài khoảng 09km. Dòng chính cơ bản chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, dọc huyện Nghĩa Hành đến hết xã Hành Thiện thì sông thoát khỏi núi, chảy trên vùng đồng bằng. Tại điểm này có trạm bơm Nam sông Vệ. Đến qua đường sắt, sông chảy giữa hai huyện Tư Nghĩa- Mộ Đức. Trên sông Vệ xưa kia cũng có rất nhiều guồng xe nước. Cuối nguồn, sông Vệ đổ ra cửa Lở và cửa Đại Cổ Lũy.
Sông Vệ có một chi lưu đáng kể nhất là sông Thoa. Sông Thoa bắt đầu từ thôn Mỹ Hưng (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) và thôn Phú An (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) theo hướng Tây Bắc- Đông Nam đến Sa Bình (xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) thì nhập với sông Trà Câu rồi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á.
Ngoài ra, còn có các nhánh sông khác như sông Cây Bứa dài 15km, sông Phú Thọ dà 16km, hợp lưu với sông chính gần vùng cửa sông tạo thành hình nan quạt. Sông Phú Thọ thực chất là đoạn sông Vệ ở cuối nguồn. Nguồn của chúng chủ yếu là nước mưa của vùng tiếp giáp giữa rừng núi và đồng bằng.
Sông Vệ có diện tích lưu vực 1.260km2, bao gồm địa hạt các huyện Ba Tơ, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành và một phần nhỏ diện tích của huyện Tư Nghĩa. Độ cao trung bình lưu vực khoảng 170m, mật độ lưới sông 0,79km/km2.
Thực vật che phủ bề mặt lưu vực vùng thượng lưu phần lớn là rừng già, bụi rậm, vùng hạ lưu chủ yếu là vùng đất canh tác nông nghiệp.
Sông Trà Câu Bắt nguồn từ vùng núi Ba Trang (huyện Ba Tơ), với độ cao 400m. Dòng sông chính chủ yếu chảy theo hướng Tây- Đông, đoạn trên thường gọi là sông Vực Liêm. Ở cuối nguồn, sông Trà Câu nhập lưu với sông Thoa tại Sa Bình, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, rồi đổ ra cửa Mỹ Á cách đó khoảng 2,5km.
Sông Trà Câu có diện tích lưu vực 442km2, chiều dài sông khoảng 32km; chiều dài lưu vực 19km và chiều rộng bình quân lưu vực 14km. Đây là con sông nhỏ nhất trong các sông kể trên, nước thường cạn kiệt về mùa khô.



Xem thêm: Tour du lịch đảo Lý sơn
Lưu vực sông Trà Câu bao gồm một phần phía Đông và phía Đông Nam huyện Ba Tơ, các xã Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Nhơn huyện Đức Phổ. Lớp phủ thực vật chủ yếu là rừng thưa và đồi trọc.
Ngoài 04 con sông chính trên, Quảng Ngãi còn có các sông nhỏ như Trà Ích (Trà bồng), sông Cái (Tư Nghĩa), sông Phước Giang (Nghĩa Hành), sông La Vân (Đức Phổ),…
Sông ngòi Quảng Ngãi đều xuất phát từ Đông Trường Sơn và chảy ra biển Đông. Dòng sông ngắn, độ dốc cao (từ 10,5 độ đến 33 độ), lòng sông cạn và hẹp nên vào mùa mưa (có lượng mưa rất nhiều) dòng chảy cường độ mạnh, thường gây ra lũ lụt lớn, gây tác hại cho sản xuất và đời sống, mặt khác cũng mang về cho đồng bằng một lượng phù sa đáng kể. Với mạng lưới sông suối dày đặc, các phụ lưu của hệ thống sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu đều bắt nguồn từ những vùng núi cao có độ dốc lớn với lượng nước nhiều là những nguồn thuỷ năng có giá trị. Ở các huyện miền núi nhân dân đã đắp đập để làm thuỷ điện.

Văn phòng sinhcafe Hà Nội
Đ/C: SN 18 Ngõ 41/10 Hồng Hà Ba Đình Hà Nội
Điện thoại: 04 37171 444 04 3995 9775 Fax: 043 7172225. Hotline 0987 44 9696 0903 44 9696
Website: www.sinhcafe.vn. Email: info@sinhcafe.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét